Câu chuyện buồn của Laika - Chú chó phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ

Laika là tên một chú chó cái lai husky-spitz, nổi tiếng là sinh vật sống đầu tiên được đưa lên quỹ đạo Trái Đất. Chuyến bay lịch sử này diễn ra vào ngày 3 tháng 11 năm 1957 trên tàu vũ trụ Sputnik 2 của Liên Xô.

Câu chuyện về chú chó Laika

Laika (Tiếng Nga: Лайка) là một chú chó (?/?/1954 - 3/11/1957). Laika thuộc giống cái, là sinh vật đầu tiên được đưa lên quỹ đạo quanh Trái Đất, động vật đầu tiên hy sinh trên quỹ đạo. Thời điểm con tàu chở Laika vào quỹ đạo, khi đó các nhà khoa học còn rất mơ hồ về tác động của chuyến bay ngoài không gian tới sinh vật sống. Một số nhà khoa học tin rằng con người có thể sống sót và chịu đựng được các điều kiện ngoài không gian. Vì vậy, một vài kĩ sư đã xem việc sử dụng động vật cho chuyến bay thử nghiệm trước khi thực hiện sứ mệnh bay của loài người là cần thiết. Hoa Kỳ sử dụng tinh tinh cho chuyến bay thử nghiệm trong khi Xô Viết quyết định sử dụng chó. Laika, tên gốc tiếng Nga là Kudryavka, đã trải qua khoá huấn luyện với hai chú chó khác và đã được chọn đưa lên tàu Sputnik 2 và bay lên quỹ đạo vào ngày 3 tháng 11 năm 1957. Con tàu Sputnik 2 đã không được thiết kế cơ cấu chống cháy và hạ cánh để thu hồi về Trái Đất, vì thế Laika đã được dự định trước sẽ chết trên chuyến bay.

Tem của nước România năm 1959 in hình Laika

Laika qua đời vài giờ sau khi tàu vũ trụ rời bệ phóng, cái chết được dự đoán là do tình trạng căng thẳng và nhiệt độ tăng cao, nguyên nhân được cho là lỗi chức năng của hệ thống kiểm soát nhiệt. Nguyên nhân thật sự và thời gian cái chết của Laika đã không được công bố cho đến năm 2002. Thay vào đó, Laika được đưa tin rằng bị thiếu hụt oxy, hoặc lại có tin (theo như Liên Xô khẳng định ban đầu) rằng nó đã sống được 1 tuần và chết nhẹ nhàng trong vũ trụ. Tuy nhiên, thử nghiệm này đã chứng minh là con người có thể tồn tại được trên quỹ đạo và chịu đựng được tình trạng không trọng lượng. Nó đã mở đường cho những chuyến bay của con người vào không gian và cung cấp cho các nhà khoa học một số dữ liệu ban đầu về cách thức sinh vật sống phản ứng với môi trường vũ trụ. Ngày 11 tháng 4 năm 2008, các quan chức Nga đã chính thức công bố tượng đài của Laika. Một tượng đài nhỏ vinh danh Laika đã được xây dựng gần khu nghiên cứu quân sự tại Moskva, nơi đã chuẩn bị cho chuyến bay của Laika. Tượng đài mô tả Laika trên một bệ tượng mô phỏng hình tên lửa.

Để trở thành phi hành gia Laika đã phải trải qua khó khăn gì?

Để trở thành phi hành gia thực thụ, Laika cùng với các "đồng nghiệp" khác đã phải trải qua những cuộc thử nghiệm và tập luyện gắt gao.

Nhằm quen dần với việc sống trong khoang lái chật hẹp của tàu Sputnik-2, các con chó này đã bị nhốt liên tục trong những chiếc lồng chật hẹp trong khoảng từ 15 - 20 ngày.

Chúng còn phải làm quen với việc mang quần áo đặc biệt cũng như tập dùng những loại thức ăn đóng hộp ở dạng lỏng.

Để quen với những rung động mạnh và tiếng gầm rú của động cơ phản lực, chúng phải thường xuyên luyện tập với máy ly tâm mô phỏng quá trình tăng tốc của tên lửa đẩy, cũng như thiết bị mô phỏng tình trạng không trọng lực. Sau mỗi lần luyện tập, nhịp tim của chúng đều tăng gấp đôi.

Kết thúc khóa huấn luyện,chó Albina được chuyển sang bộ phận thử nghiệm sức chịu đựng của cơ thể sống trong điều kiện gia tốc cực lớn khi tên lửa đẩy khởi hành; chó Mushka được chuyển sang làm ở bộ phận thử nghiệm các thiết bị cứu hộ và khoang đổ bộ của tàu vũ trụ.

Riêng Laika được sử dụng để nghiên cứu sức chịu đựng của cơ thể sống trong điều kiện không trọng lực. Và chính nhiệm vụ này đã giúp Laika trở thành sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ.

Chuyến bay cảm tử

Ngay trước thời điểm phóng tàu, Laika được tắm rửa sạch sẽ bằng dung dịch pha cồn, lông được chải chuốt cẩn thận, và thuốc iod được bôi vào những vị trí gắn các thiết bị cảm biến theo dõi chức năng cơ thể và được đưa vào khoang lái tàu Sputnik-2. Tất cả đã sẵn sàng.

Ngày 3/11/1957, tại sân bay vũ trụ Baikonur, Sputnik-2 được phóng lên quỹ đạo Trái Đất, mang theo Laika.

Theo các tín hiệu thu được từ các thiết bị cảm biến gắn trên thân thì trong quá trình phóng tàu, nhịp tim của Laika tăng cao gấp 3 lần bình thường. Sau khi tàu đạt đến trạng thái không trọng lực thì nhịp tim của Laika lại bắt đầu giảm mạnh.

Ngay ngày hôm đó, Đài Phát thanh Moskva cho phát đi thông tin rằng những tín hiệu từ Sputnik-2 cho thấy: hoạt động của các thiết bị khoa học vẫn diễn ra bình thường và Laika vẫn sống.

Sáu ngày sau đó, Trái Đất hoàn toàn mất liên lạc với tàu Sputnik-2. Các thông tin do Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Liên Xô cung cấp vào thời điểm đó cho thấy Laika đã sống tới ngày thứ tư của chuyến du hành.

Không lâu sau khi Sputnik-2 được phóng đi, các nhà khoa học Liên Xô đã phải thừa nhận rằng do các thiết bị đổ bộ chưa kịp hoàn thiện nên tàu Sputnik-2 đã được xác định là sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm cảm tử, một đi không trở lại.

Hơn nữa, lượng thức ăn và oxy chỉ đủ cho Laika dùng 10 ngày, trong khi sứ mệnh của Sputnik-2 sẽ kéo dài tới tháng 4/1958.

Điều đó có nghĩa là số phận của Laika đã được định đoạt ngay từ đầu, nó sẽ chết và bị thiêu cháy cùng với con tàu khi quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất.

Sau 163 ngày bay liên tục 2.570 vòng quanh quỹ đạo Trái Đất ở điểm gần nhất là 225 km và xa nhất là 1.671 km với vận tốc 28.968 km/h, ngày 14/4/1958, Sputnik-2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường trở về Trái Đất, kết thúc xuất sắc sứ mạng tiên phong của mình.



Cái chết của Laika đã mở đường cho sự sống trên vũ trụ của "cặp vợ chồng" chó Belka và Strelka. Chó đực Strelka và chó cái Belka được Cơ quan hàng không vũ trụ Liên Xô phóng lên không gian ngày 19 tháng 8 năm 1959 bởi tên lửa đẩy R-7 mang vệ tinh Sputnik-5. Ngày 20 tháng 8, Sputnik-5 hạ cánh nhẹ nhàng bằng dù trên thảo nguyên gần Baikonur (Kazakhstan). Cả Strelka và Belka đều khỏe mạnh và an toàn. Vài tháng sau đó, "cặp uyên ương" vũ trụ đầu tiên này đã sinh được sáu con chó con (2 đực, bốn cái) khỏe mạnh. Lãnh tụ Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov đã chọn một con đẹp nhất gửi tặng Caroline Kennedy, con gái của Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy.

Nguyen Ha My

Chào các bạn ! Cảm ơn các bạn đã có mặt ở đây và đón nhận những bài viết trên blogs. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy tài liệu mà bạn mong muốn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn